Lượt xem: 1361
Chùa Khmer với việc nâng cao đời sống văn hóa cộng đồng
17/01/2019
Long Phú là một huyện nằm ven
Sông Hậu, thuộc tỉnh Sóc Trăng, là huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh
sống, chiếm 28,56%, với 32.517 người. Toàn huyện có 05 ngôi chùa Khmer đó là :
Chùa Tưk Prây thị trấn Long Phú; Chùa Bưng Côl xã Long Phú, Chùa Bưng Cro chắp
Thmây, xã Tân Hưng; Chùa Bưng Cro chắp Chắs xã Châu Khánh và chùa Sâng Ke xã
Trường Khánh. Trong đời sống của người Khmer, ngôi chùa có ý nghĩa đặc biệt
quan trọng, góp phần nâng cao đời sống văn cộng đồng.
Trong đời sống hằng ngày, người
Khmer rất coi trọng vấn đề tinh thần. Họ luôn quan tâm đến việc xây dựng, tu bổ
cho ngôi chùa chung và coi đó là bộ mặt văn hóa của toàn phum, sóc. Mỗi ngôi
chùa là một di tích văn hóa, lịch sử và kiến trúc. Đó là nơi lưu giữ và phổ
biến kinh sách Phật giáo, cũng như các tác phẩm văn học, nghệ thuật, là Trung
tâm đào tạo giáo lý cho các sư sãi, dạy chữ Khmer cho con em người dân tộc, là
Trung tâm sinh hoạt văn hóa – xã hội, gắn với tập tục; nơi hoạt động văn nghệ,
thể thao truyền thống và phổ biến thông tin của cộng đồng.
Đại đức Thạch Thươl – Chi Hội trưởng, Hội
đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Long Phú, Chủ trì chùa Bưng Cro chắp Thmây xã
Tân Hưng cho biết : “ Chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng mà còn là
trường học, nơi vui chơi sinh hoạt, thưởng thức và sáng tạo các giá trị văn hóa
của người Khmer. Thanh niên Khmer vào chùa để tu học và rèn luyện đạo đức, nhân
phẩm, học tập khoa học – kỹ thuật, cách sống, cách ứng xử với gia đình và xã
hội. Các vị sư sãi sinh hoạt tại chùa là những trí thức tiêu biểu của xã hội
Khmer truyền thống. Vì vậy có thể nói, Phật giáo Nam Tông có vai trò quan trọng
trong việc trong việc hình thành nhân cách của các thanh niên Khmer, của người
Khmer.”
Người Khmer chịu ảnh hưởng rất lớn bởi đạo
đức Phật giáo Nam tông thông qua nếp sống của những người trong gia đình, dòng họ,
xóm làng, thông qua các lễ hội, các buổi nhà sư thuyết giảng giáo lý và nghi
thức truyền thống của dân tộc Khmer như : Lễ Phật Đản; lễ Dâng y và Cà sa (nghi
thức dâng cúng vật phẩm cho các chư tăng); Tết Chôl Chnăm Thmây; Lễ sene Đôl
ta, Lễ Ooc Om Bok (cúng Trăng) lễ cầu an …
Chú thích ảnh: Chùa Khmer với việc nâng cao đời sống văn hóa cộng đồng.
Ngày nay, trong quá trình đổi mới, hội nhập
và giao lưu, chùa vẫn tiếp tục đóng vai quan trọng đối với đời sống của người
Khmer, mang những giá trị thiết thực, đặc biệt là việc tổ chức các hoạt động
văn hóa – xã hội. Vì vậy, trong thời gian qua, các địa phương luôn quan tâm đầu
tư cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật cho chùa Khmer để tham gia tổ chức các
hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng trên địa bàn.
Ngoài ra, chùa còn là nơi tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ
sở, xây dựng nông thôn mới, cách thức làm ăn … cho các sư sãi và bà con Phật tử
Khmer.
Với tinh thần đó, chùa Khmer góp phần giữ gìn và phát huy có hiệu quả
giá trị lịch sử - văn hóa của chùa cũng như các gia trị văn hóa phi vật thể, tổ
chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao của nhân dân trong vùng, vận động nhân
dân, các Phật tử tham gia tích cực phong trào xây dựng đời sống văn hóa, tích
cực đóng góp của cải, vật chất tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia về xây
dựng nông thôn mới, cùng chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và văn
minh.
Bài
và ảnh: Sóc Ca.